5 chướng ngại về thiền mà ta hay gặp phải

Chướng ngại thứ nhất là về THÂN

Khi tọa Thiền, để giữ thân cho ổn định thì thật là cực khổ, vì toàn thân ta, đặc biệt là đôi chân sẽ rất đau. Nhưng ta vẫn phải ngồi, ngồi mãi cho đến khi hết đau là đã bắt đầu trả hết nghiệp. Có một Thiền sinh của khoá thiền chùa Từ Tân, trước lúc mất đã cho gọi con cháu về. Mọi người thấy ông vui cười thanh thản, ngồi thiền bình thường, không ngờ đến tối nằm xuống ngủ rồi qua đời luôn. Đó là cái chết bình an, vì khoảng thời gian đau chân khi ngồi thiền đã giúp ông trả hết nghiệp.

Chướng ngại thứ hai là VỌNG TƯỞNG

Tức hết ý niệm này đến ý niệm kia cứ lôi ta đi, làm ta quên mất công phu của mình, quên mất chánh niệm, hơi thở, quên quán thân… Cho nên, chiến đấu với vọng tưởng thật vất vả là như thế. Và đến ngày nào ta bắt đầu làm chủ được tâm, nắm được tâm thì như ta nói, đó cũng là lúc ta bắt đầu hết nghiệp. Sự tỉnh giác, chánh niệm dần hiện ra và từ đây ta bắt đầu rơi vào “Hố đen” của thiền, bắt đầu xem thiền là cuộc sống của mình.

Chướng ngại thứ ba là ẢO GIÁC

Khi tâm yên rồi, vô số ảo giác xuất hiện làm hành giả say mê thích thú. Có người thấy mình lơ lửng giữa hư không, có người thấy hào quang phủ trùm, hoặc hương thơm cùng khắp… Do nhân quả bí mật gì đó mà mỗi người thấy hiện ra một loại ảo giác khác nhau, và họ phải vất vả vượt qua, không chấp nhận nó. Họ phải bám theo hơi thở cho kĩ, biết rõ hơi thở ở bụng dưới.

Chướng ngại thứ tư là THẦN THÔNG

Tu đến khi vọng tưởng đã hết, ảo giác đã tắt, tâm thanh tịnh sâu xa, bắt đầu hành giả có thể nhìn vào người khác mà biết được quá khứ vị lai. Đó là lúc mà tâm họ động trở lại: Họ thấy mình như Thánh khi biết hết tâm ý, nghiệp quả, quá khứ vị lai của người khác. Và chính sự kiêu mạn này sẽ kéo họ xuống trở lại. Nên đến giai đoạn này người tu phải hết sức kín đáo, không bao giờ phô bày thần thông, bởi bản ngã sẽ lớn lên. Mà khi bản ngã lớn rồi thì mọi công đức sẽ sụp đổ, từ người tu hành chân chính sẽ trở thành một tà sư ngông nghênh, khoe khoang kiêu mạn. Mà kiêu mạn có mặt rồi thì ô nhiễm cũng không còn xa nữa.

Chướng ngại thứ năm là BẢN NGÃ

Và cuối cùng là BẢN NGÃ, tức là cái “Tôi” bí mật cuối cùng còn tồn tại. Mất bao lâu thì cái tôi mới tan biến? Khoảng mấy triệu năm. Và trong suốt mấy triệu năm đó ta phải tu hạnh Bồ tát. Nên mấy triệu năm đó là thời gian của một người tu chờ thành Phật. Có khi mất đến vài tỷ năm, chứ không chỉ vài triệu năm. Nhưng với bậc Bồ tát thì 10 năm chỉ là cái chớp mắt. Từng giây từng phút các Ngài cứ an trú trong sự bình an của nội tâm, cứ bình thản thương yêu và làm lợi ích cho chúng sinh. Và trong suốt bao nhiêu triệu năm, dù các Ngài đã chứng đạo, đã đắc được thiền, đã có thần thông, đã thành Bồ tát rồi nhưng bản ngã bí mật vô hình vẫn tiềm tàng. Do đó, các Ngài làm công đức vô lượng nhưng vẫn phải kềm chế bản ngã của mình, chứ không diệt hoàn toàn được.


“Không thiền không trí tuệ
Không trí tuệ không thiền
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết bàn.”